Pin smartphone ngày càng được cải tiến tăng dung lượng, mỏng hơn… theo kịp xu hướng hiện đại, nhưng một góc khuất về pin smartphone được phơi bày theo điều tra Washington Post.
Theo Business Insider, các đại gia công nghệ như Intel và Apple đều đã có những bước hành động tiến bộ đáng kể trong việc chấm dứt sự lệ thuộc vào những loại khoáng sản gây xung đột như Vonfam, thiếc, tantali và vàng tại các mỏ khai thác ở Congo, nơi người lao động thường là các tù nhân.
Tuy nhiên, tại các mỏ trong khu vực này còn có một loại khoáng sản quan trọng khác là cô-ban và tình trạng bóc lột lao động liên quan tới việc khai thác nó vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng giống như các khoáng sản đã nhắc tới ở trên.
Cô-ban là loại khoáng sản được sử dụng trong các loại pin lithium-ion cung cấp năng lượng cho điện thoại di động thông minh và ôtô điện.
Báo cáo điều tra của báo Washington Post đã tiết lộ những cảnh cùng cực của những người lao động đang làm việc tại các mỏ khai thác cô-ban ở Congo.
Vì quá nghèo nên phải làm
Những người này được gọi là “các thợ mỏ thủ công”, họ không phải là nhân viên trực tiếp của bất cứ công ty nào. Họ mưu sinh bằng cách nhảy xuống các hố khai thác, thường là chân không và không có bất cứ dụng cụ bảo hộ lao động nào.
Họ đào cô-ban theo cách thủ công. Các sự cố tai nạn gây thương tích hay chết người xảy ra như cơm bữa. Đôi khi trong số các công nhân đó còn có cả trẻ em.
Sau khi đào lên, cô-ban được đem ra rửa sạch tại các con sông. Quá trình này có thể làm nhiễm độc nguồn nước và gây dị tật thai nhi cùng nhiều nguy cơ sức khỏe khác.
Một ngày làm việc hiệu quả, các thợ mỏ khai thác cô-ban này kiếm được từ 2-3 USD.
Theo Washington Post, mặc dù những người này không phải thuộc diện bị bóc lột lao động, nhưng vì cuộc sống quá nghèo khổ, cực chẳng đã họ phải làm việc này.
Mặc dù Congo là nước có nhiều nguồn tài nguyên phong phú phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp công nghệ, tuy nhiên người dân tại đây lại không phải những đối tượng hưởng lợi chính từ ưu thế tự nhiên đó.
Nhiều tập đoàn công nghệ đã biết về thảm cảnh tại các mỏ khai thác cô-ban ở Congo. Tuy nhiên mức độ quan tâm, hành động trong quá trình thanh tra và cải thiện tình hình rất khác nhau giữa các tập đoàn.
Bà Paula Pyers, giám đốc cao cấp phụ trách lĩnh vực trách nhiệm xã hội của chuỗi cung cấp tại tập đoàn Apple cho biết, tập đoàn này cam kết sẽ làm việc với nhà cung cấp chính của họ là Huayou Cobalt để chấm dứt tình trạng này, đồng thời tích cực giải quyết những vấn đề cơ bản gây ra đói nghèo.
Nhiều công ty khác tỏ ra không mấy mặn mà trong việc tham gia giải quyết vấn đề. Chuyên gia tư vấn Lara Smith của hãng Core Consultants có trụ sở tại Johannesburg cho rằng, thảm cảnh tại các mỏ cô-ban ở Congo vẫn là vấn đề không trông/không thấy với nhiều hãng công nghệ.
Bà Smith nói: “Các công ty không thể nói là họ không biết. Bởi vì nếu họ muốn hiểu, họ hoàn toàn có thể hiểu”.
Kêu gọi hành xử đạo đức
Trên thực tế, đây không phải là loại khoáng sản duy nhất và cũng không phải khu vực duy nhất trên thế giới đang tồn tại tình trạng bóc lột lao động kinh hoàng trong lĩnh vực khai khoáng hay thu gom các loại vật liệu nền khác.
Tuy nhiên trong bối cảnh đó, nhiều bộ phận trong lĩnh vực công nghệ đã tạo ra phương tiện góp phần giải quyết tình trạng lao động bị bóc lột phổ biến khắp nơi.
Giám đốc điều hành Alexander Atzberger của tập đoàn SAP Ariba cho biết: “Có ít nhất 34 hạng mục mà tổ chức Ân xá quốc tế xác định có nguy cơ bóc lột lao động. Ariba cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho những người mua hàng của các công ty sử dụng.
Bằng việc cung cấp các dữ liệu liên quan tới tình trạng bóc lột lao động, công ty này nỗ lực cung cấp thông tin, giúp các khách hàng hiểu rõ các sản phẩm họ đang mua (từ pin cho tới các linh kiện bên trong) – có chứa các loại vật liệu có thể được khai thác bằng việc bóc lột lao động hay không và có thái độ hành xử phù hợp.
Theo Washington Post, Business Insider